Review sách

Vài dòng lan man về quyển sách mới đọc

Miền tây sông nước (Ảnh: Wall.vn)

Tôi là người miền tây xa xứ nên rất thích đọc những quyển sách viết về vùng đất này. Mà nói về văn chương miền sông nước, hiện tại chắc ai khó qua được Nguyễn Ngọc Tư. Thế mà tôi lại không phải là người hâm mộ của cô Tư. Những mẫu chuyện của cô Tư có cái làm tôi rưng rưng nhưng cũng có những câu chuyện làm tôi ngờ vực “Lẽ nào miền tây của tôi lại như thế sao?”. Tác phẩm Cánh đồng bất tận có lẽ là tác phẩm làm nên tên tuổi của cô Tư, nhưng đây lại là câu chuyện tôi không thích nhất. Miền tây của tôi không như thế…

Thế nhưng vẫn không cưỡng lại được mỗi khi cô Tư viết một câu chuyện mới, tôi lại tìm đọc để tìm bóng dáng quê hương ở đó. Hôm nay tôi vừa đọc xong quyển Xa xóm Mũi, cô Tư viết cho trẻ em. Dù đã cố gắng viết một cách nhẹ nhàng nhưng màu sắc trong những câu chuyện đó vẫn cứ man mác buồn, man mác xót xa. Tôi lại không thích. Không phải là truyện cho trẻ em sao? Sao nó lại buồn như thế? Tôi phải giải thích cho con tôi thế nào về những chú mèo không bao giờ có cơ hội lớn, hay rốt cuộc chú Quang có phải là ba của bé Ngoan ko? Đọc hết quyển Xa xóm Mũi tôi bỗng nhớ đến quyển truyện tôi đọc khi còn học tiểu học Chú bé Thất Sơn của nhà văn Phạm Công Luận. Tuổi thơ tôi gắn liền với những trang sách và đây là một trong những quyển hiếm hoi để lại ấn tượng khó phai. Tôi không thể quên câu chuyện về dàn hợp xướng ăng-ten, về con cá nướng bọc đất sét hay những củ khoai mì trắng bóc cuốn bánh tráng và vẫn nhớ mãi thằng Siêng chăn trâu bên bờ kênh Vĩnh Tế. Đây mới là miền tây của tôi – là những con người hiền lành, rổn rảng, hào sảng và nhiệt tình. Miền tây của tôi là những nỗi buồn thả theo gió bay đi…Vì thế đối với văn của cô Tư tôi rất mâu thuẫn, vừa thích lại vừa không thích. Và tôi biết mai mốt khi cô viết một quyển sách mới, tôi lại tìm đọc và lại lặp lại vòng lẩn quẩn thích và không thích.