Review sách

Vài dòng lan man về quyển sách mới đọc

Miền tây sông nước (Ảnh: Wall.vn)

Tôi là người miền tây xa xứ nên rất thích đọc những quyển sách viết về vùng đất này. Mà nói về văn chương miền sông nước, hiện tại chắc ai khó qua được Nguyễn Ngọc Tư. Thế mà tôi lại không phải là người hâm mộ của cô Tư. Những mẫu chuyện của cô Tư có cái làm tôi rưng rưng nhưng cũng có những câu chuyện làm tôi ngờ vực “Lẽ nào miền tây của tôi lại như thế sao?”. Tác phẩm Cánh đồng bất tận có lẽ là tác phẩm làm nên tên tuổi của cô Tư, nhưng đây lại là câu chuyện tôi không thích nhất. Miền tây của tôi không như thế…

Thế nhưng vẫn không cưỡng lại được mỗi khi cô Tư viết một câu chuyện mới, tôi lại tìm đọc để tìm bóng dáng quê hương ở đó. Hôm nay tôi vừa đọc xong quyển Xa xóm Mũi, cô Tư viết cho trẻ em. Dù đã cố gắng viết một cách nhẹ nhàng nhưng màu sắc trong những câu chuyện đó vẫn cứ man mác buồn, man mác xót xa. Tôi lại không thích. Không phải là truyện cho trẻ em sao? Sao nó lại buồn như thế? Tôi phải giải thích cho con tôi thế nào về những chú mèo không bao giờ có cơ hội lớn, hay rốt cuộc chú Quang có phải là ba của bé Ngoan ko? Đọc hết quyển Xa xóm Mũi tôi bỗng nhớ đến quyển truyện tôi đọc khi còn học tiểu học Chú bé Thất Sơn của nhà văn Phạm Công Luận. Tuổi thơ tôi gắn liền với những trang sách và đây là một trong những quyển hiếm hoi để lại ấn tượng khó phai. Tôi không thể quên câu chuyện về dàn hợp xướng ăng-ten, về con cá nướng bọc đất sét hay những củ khoai mì trắng bóc cuốn bánh tráng và vẫn nhớ mãi thằng Siêng chăn trâu bên bờ kênh Vĩnh Tế. Đây mới là miền tây của tôi – là những con người hiền lành, rổn rảng, hào sảng và nhiệt tình. Miền tây của tôi là những nỗi buồn thả theo gió bay đi…Vì thế đối với văn của cô Tư tôi rất mâu thuẫn, vừa thích lại vừa không thích. Và tôi biết mai mốt khi cô viết một quyển sách mới, tôi lại tìm đọc và lại lặp lại vòng lẩn quẩn thích và không thích.

Blog

Singapore switches off – Day 6

Image source: Singapore Business Review

12/04/2020

Thế giới bước sang tháng thứ 4 hoang mang. Ngày 31/12/2019, ngày cuối cùng của năm cũ cũng là ngày tin tức về một chủng virus mới xuất hiện trên mặt báo, chẳng ai ngờ chào đón mình sẽ là một năm hỗn loạn thế này. Rất nhiều người đã nói thế giới hậu Covid 19 là một thế giới hoàn toàn khác, khác hẳn với thế giới mà chúng ta đã quen thuộc, và chúng ta sẽ lại phải học lại từ đầu, làm lại từ đầu, xây dựng lại tất cả từ đầu.

Trước khi dịch bệnh xảy ra, xu hướng du lịch, di chuyển, khám phá thế giới là xu hướng được cổ vũ, kéo theo đó là các ngành hàng không, cruise ship, nhà hàng khách sạn và các dịch vụ du lịch phát triển theo. Nhất là ở khu vực Châu Á, hàng không trở thành ngành cực nóng khi nhu cầu đi lại của mọi người tăng cao. Không ai ngờ, chỉ 4 tháng mọi chuyện đã thay đổi. Changi – một trong những sân bay đông đúc, nhộn nhịp nhất thế giới, đã phải đóng một Terminal, hàng chục, hàng trăm chiếc máy bay không cất cánh, nằm chờ ở sân bay, tiếp viên hàng không tham gia đội ngũ phục vụ cộng đồng vì dù gì họ cũng không thể bay trong giai đoạn này. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, các công ty bán tour du lịch phải đóng cửa. 4 tháng trước, chắc không ai nghĩ đến việc này…

Khi khủng hoảng xảy ra, con người quay trở về tầng thấp nhất trong tháp nhu cầu của Maslow. Họ chi ít hơn cho những thứ không thật sự cần thiết, chi nhiều hơn cho nhu cầu căn bản. Các cửa hàng quần áo, mỹ phẩm, trang sức vắng bóng người…Chẳng ai biết cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu, họ cần đảm bảo nhu cầu ăn uống hơn là nhu cầu chứng tỏ bản thân.

Những quốc gia phát triển cũng sẽ có dịp nhìn lại khi họ đã quá dựa dẫm vào việc sản xuất từ bên ngoài, đến khi chuỗi cung ứng bị gãy đổ kéo theo quá nhiều hệ lụy.

Mọi thứ rồi sẽ thay đổi, nhưng dịch bệnh cũng cho chúng ta nhận ra nhiều giá trị mà chúng ta có thể đã quên. Cái chúng ta có hiện tại chính là thời gian – thời gian bên cạnh gia đình – điều chúng ta luôn thiếu khi cuộc sống quá vội vã.

Review phim

[Review] Chúng ta của sau này – Us and Them

*Review có spoil nội dung chính của phim

“Tại sao không có câu chuyện nào hạnh phúc từ đầu đến cuối?”

“Hạnh phúc không phải một câu chuyện, bất hạnh mới phải”

Tôi nhớ có đọc đâu đó rằng hạnh phúc trên đời này thường giống nhau nhưng đau khổ thì mỗi người mỗi khác. Có người vì không đạt được thứ mình mong muốn cho rằng đó là đau khổ. Có người cảm thấy thất bại là đau khổ, có người vì cuộc sống không như mình ao ước cũng là một loại đau khổ.

Cũng có người đau khổ vì mình đã từng hạnh phúc rồi lại để vuột mất.

Khi còn trẻ bạn như thế nào? Bạn có từng ước mơ mình sẽ thành công, mình sẽ giàu có? Bạn có từng yêu điên cuồng một người, không cần biết ngày mai sẽ ra sao? Phương Tiểu Hiểu và Lâm Kiến Thanh trong Chúng ta của sau này đã từng có một thời thanh xuân điên cuồng như thế.

Với tôi Bắc Kinh trong Chúng ta của sau này cũng giống như Sài Gòn của tôi, tuổi trẻ của tôi, những tháng ngày rực rỡ, đau khổ, thất bại, nụ cười, nước mắt đều ở đấy.

Bắc Kinh hoa lệ, Bắc Kinh rực rỡ, Bắc Kinh tràn ngập cơ hội và nỗi tuyệt vọng. Nơi đó có những người trẻ vừa chập chững vào đời, họ chẳng có gì ngoài ước mơ về một ngày mai tươi sáng. Nơi đó có Tiểu Hiểu với mong muốn tìm một người bạn trai Bắc Kinh để có thể bám víu lại nơi này. Nơi đó có Kiến Thanh ấp ủ niềm đam mê về game từ thời thơ bé. Họ xông xáo bước vào cuộc đời để rồi bị hiện thực cuộc sống đánh cho bị thương tơi tả. Tiểu Hiểu không thể tìm được người bạn trai “Vì cô hái sao trên trời, mò trai dưới biển”. Kiến Thanh không thể không đối mặt với cơm áo gạo tiền, lăn lộn trên đường phố bán đĩa CD lậu. Những tháng ngày vất vả đó, bên cạnh Kiến Thanh là một Tiểu Hiểu tươi sáng, bên cạnh Tiểu Hiểu là một Kiến Thanh chở che, bảo vệ mỗi khi cô thất tình. Và họ yêu nhau như lẽ thường phải thế.

Tiểu Hiểu và Kiến Thanh yêu nhau khi cả hai đang ở giữa những ngày tăm tối nhất của cuộc đời. Họ vất vả nhưng luôn có nhau, căn phòng nhỏ bé chật chội, u tối nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Họ có thể vui vẻ chia nhau một tô mì, vui vẻ vì nhặt được một cái ghế sofa cũ.

Thế nhưng họ còn quá trẻ…

Những năm tháng tràn đầy sức sống ấy, ta gặp một người, nguyện một lòng chở che, muốn mang những điều tốt đẹp nhất cho người đấy. Ước mơ thì rất đẹp nhưng hiện thực thì tàn khốc.

Tiểu Hiểu và Kiến Thanh cuối cùng vẫn chia tay. Không có lý do gì rõ rệt, không phải vì hết yêu, không phải vì không chịu được gian khổ. Chia tay vì cả hai chưa đủ dũng cảm với tình yêu của mình. Kiến Thanh không đủ can đảm để bước lên tàu giữ Tiểu Hiểu lại, cũng như Tiểu Hiểu không đủ can đảm ở lại bên cạnh nhìn Kiến Thanh trượt dài trên con đường tăm tối. Chờ đợi một người đàn ông trưởng thành là một sự chờ đợi rất gian nan.

Khi còn trẻ ta thường gặp được tình yêu nhưng lại không biết cách để yêu.

“Nếu em của quá khứ đã không nguyện cùng anh trải qua những tháng ngày khổ cực, thì tại sao bây giờ anh lại nghĩ em sẽ nguyện cùng anh bên nhau hưởng thụ những tháng ngày tốt đẹp”.

Tiểu Hiểu yêu chính là Kiến Thanh, không phải yêu thành công của Kiến Thanh, không phải yêu ngôi nhà Bắc Kinh mà Kiến Thanh hứa hẹn. Thật tiếc khi lúc đấy Kiến Thanh đã không hiểu được Tiểu Hiểu, cũng không hiểu được cha mình.

10 năm trôi qua, chàng trai năm ấy đã trưởng thành, đã thành công đạt được những điều mà mình mơ ước. Nhưng bên cạnh Kiến Thanh đã không phải làTiểu Hiểu.

Cuối cùng thì Kiến Thanh cũng đã hiểu ngày xưa ấy mình đã ích kỷ như thế nào, khi chưa từng đặt mình vào vị trí của cha, của Tiểu Hiểu để suy nghĩ.

“Nếu Ian không tìm thấy Kelly, thì thế giới sẽ không còn sắc màu”.

Và thế giới của Tiểu Hiểu và Kiến Thanh đã không còn màu sắc từ khi họ chia tay…

10 năm sau họ gặp lại nhau trên chuyến bay về lại Bắc Kinh. 10 năm họ mới có thể ngồi xuống nhớ lại những tháng ngày đã qua đó.

“Nếu lúc đó em không rời đi, thì chúng ta của sau này liệu có khác đi không?”

“Nếu lúc đó anh có dũng khí bước lên tàu điện, thì em sẽ bên anh mãi mãi”

Đã không thể nào “Nếu như” nữa! Không thể quay lại ngày xưa ấy, không thể thay đổi những điều đã qua. Không thể chữa lành những tổn thương đã thành sẹo.

“Chúng ta của sau này cuối cùng đã có tất cả, nhưng lại không có nhau”.

“I missed you”

“Anh cũng nhớ em”

“Ý em là em đã bỏ lỡ anh mất rồi!”

………

Bỏ lỡ chính là bỏ lỡ. Không thể nào quay lại, không thể nào níu kéo…

“Điều anh ân hận nhất chính là nuối tiếc của em lại liên quan đến anh”.

“Điều bi ai nhất chính là anh không có tư cách gì để đau khổ, mà nổi đau khổ của anh chính là không làm được gì cho em nữa”

Cuối cùng thì họ cũng đã đối diện với trái tim mình sau 10 năm dằn vặt, Tiểu Hiểu đã có thể buông xuống tình yêu đầy nước mắt để bắt đầu cuộc sống mới. Cuối cùng thì cô cũng có thể rời khỏi Bắc Kinh…Việc lạc mất nhau đã không còn là đau khổ nữa, quan trọng là họ đã từng yêu nhau, đã từng có những tháng ngày hạnh phúc thật sự.

Tôi rất thích cái kết phim dù rất buồn. Tiểu Hiểu và Kiến Thanh đã không thể quay trở lại bên nhau, họ có trách nhiệm và cuộc sống của riêng họ. Lần gặp nhau này là để từ biệt, thật sự từ biệt cho đoạn tình cảm thanh xuân đầy tiếc nuối ngày ấy.

Sau 10 năm thì Ian cũng đã tìm được Kelly dù tất cả đã muộn màng…

Review phim

[Review] Ai sẽ cưới em, cô gái đa sầu đa cảm của tôi?

Ai cũng có một khoảng thời thanh xuân, có những phút giây nông nổi dại khờ, những lần trái tim sai nhịp đập. Ai cũng có một quãng đời tuổi trẻ, để nhớ thương, để hoài niệm, tiếc nuối…hay là chỉ để quên! Mối tình đầu thì thường hay tan vỡ, không phải vì nó hời hợt nông cạn, mà chính vì chúng ta chưa biết cách yêu.

Bạn cùng bàn – câu chuyện về một tình yêu thanh xuân, một mối tình kết thúc trong tiếc nuối muộn màng.

Tình yêu đó đã từng trong sáng như pha lê, một cậu bé dù bị đánh bao nhiêu lần vẫn kiên trì bảo vệ cô bạn cùng bàn xinh xắn. Nhất quyết học ban xã hội dù mình không có năng khiếu để được tiếp tục cùng lớp với cô bạn nhỏ.

Tình yêu đó đã từng là động lực để một cậu học sinh lười biếng quyết tâm thi vào Bắc Đại.

Tình yêu đó đủ khờ khạo để cô học trò thông minh từ chối vào Bắc Đại để ở bên người mình yêu.

Và cũng chính tình yêu đó đủ nông nổi để nhận hậu quả đắng cay.

Thế rồi bao lần vấp ngã tưởng rằng họ đã học được cách bên nhau, vậy mà cuối cùng lại tan vỡ. Định mệnh có những ngã rẽ mà chỉ cần buông tay là lạc mất nhau mãi mãi. Để rồi 10 năm sau họ có hạnh phúc với lựa chọn của mình? Câu hỏi “Nếu thì” ko thể thay đổi được số phận. Họ đã lạc mất nhau, tình yêu đủ lớn nhưng niềm tin thì không đủ, chỉ vì họ đều còn rất trẻ. Chúng ta ai rồi cũng phải bước tiếp trên con đường mình đã chọn, không thể quay đầu, không thể thay đổi. Vì cô, cậu đã sang nước Mỹ, nơi mà trước đây có mơ cậu cũng ko nghĩ đến. Vì yêu, cô đã dõi theo từng con đường, từng căn phòng cậu đã ở…trong trí tưởng tượng. Cô cũng đã cố gắng để đến bên cậu nhưng niềm tin trong cô không đủ vững chắc. “Chúng ta đều thua hiện thực”. Hiện thực khắc nghiệt không thể làm cô chờ được người mình yêu quay về. Hiện thực khắc nghiệt làm cho cuộc sống của cậu là một chuỗi thất bại, cậu vẫn không thể quay về. Và thế là họ xa nhau! Phí hoài mối duyên xưa! Họ đã để lạc mất tình yêu vì những sự lựa chọn của riêng mình, nhưng lựa chọn đó cũng không mang đến cho họ hạnh phúc. 10 năm – một cái chớp mắt. Gương mặt ấy vẫn ở đây, nhưng người xưa đã không còn…

Diễn xuất của Lâm Canh Tân rất tốt ở từng phân đoạn chuyển biến tâm lý nhân vật. Đó là cậu trai mới lớn, ngây ngô, cố chấp, nông nổi, nụ cười trong sáng, ánh mắt tràn đầy niềm tin vào tình yêu của mình. Là một chàng trai hoang mang sợ hãi khi nghe bạn gái có thai. Là một chàng trai bât đầu nhận thức được mình phải làm gì, bắt đầu trưởng thành và hiểu chuyện. Và là một người đàn ông có cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt, một nhân viên bình thường, ở  trong một căn phòng bẩn thỉu bừa bộn, và một cô vợ sắp cưới phản bội mình. Ánh mắt điềm tĩnh, mệt mỏi đã được Tân biểu đạt khá tốt. Không cần biểu lộ quá nhiều cảm xúc vẫn cho khán giả cảm nhận được sự cam chịu, chán chường bên trong nhân vật. Và mọi cảm xúc dồn nén bấy lâu bùng nổ khi nhận được thiệp cưới của người yêu cũ. 10 năm rời khỏi đất nước, Lâm Nhất đã được gì, ngoài nỗi chán chường ngày ngày xâm lấn tâm trí cậu? 10 năm rồi, người con gái ấy cuối cùng cũng thật sự rời bỏ cậu. Tân được trời phú cho một đôi mắt biết nói, ánh mắt ấy có thể thay vạn lời dư thừa. Ánh mắt Lâm Nhất nhìn Châu Tiểu Chi sau mười năm, là cả bầu trời thương nhớ, là tràn đầy tình yêu như lúc đầu, cũng là ngập tràn sự bất đắc dĩ, tiếc nuối và cả xót xa.

Một bộ phim không quá xuất sắc nhưng không hẳn là một bộ phim trôi tuột đi. Những ai đã từg bỏ lỡ một quãng đời thanh xuân như Lâm Nhất sẽ cảm nhận rõ nhất sự tiếc nuối tràn ngập trong tim.
Ngày ấy bầu trời lúc nào cũng trong xanh, thời gian dường như trôi đi rất chậm chạp

Em luôn nói ngày tốt nghiệp hãy còn xa lắm, thế mà trong chớp mắt mỗi đứa đã một phương trời

…….

Năm tháng đó đều trôi vào dĩ vãng, tôi rồi cũng sẽ kết hôn thôi

Rồi cũng sẽ đưa cho cô ấy xem bức ảnh cô bạn học ngồi cùng bàn của tôi…

*Tựa đề là một câu trong bài hát Bạn cùng bàn

Review phim

[Review] Hanamizuki – May your love bloom a hundred year

“Yêu nhau xa mấy cũng về với nhau”

Một bộ phim từng càng quét phòng vé ở Nhật trong năm 2010 và được mang sang Việt Nam công chiếu vào dịp liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam (nghe đồn cũng gây ra một cơn bão :D). Cũng chả trách, với đạo diễn phim tài năng cùng hàng loạt phim lấy nước mắt khán giả như Be With You (Ima, Ai ni Yukimasu) (2004) và Tears for You (Nada Sou Sou) (2007), thì sự mong đợi của khán giả đối với Hanamizuki là có cơ sở. Bên cạnh đó diễn viên chính lại là 3 cái tên vô cùng “hot” Ikuta TomaAragaki Yui, Mukai Osamu.

Bộ phim dựa trên một bản ballad cùng tên tuyệt đẹp của ca sĩ Hitoto Yo. Kể về mối tình của hai cô cậu học trò ở một làng chài thanh bình vùng biển Hokkaido. Một tình yêu đầu trong sáng, lãng mạn.

Kouhei-kun là con của một người ngư dân và ước mơ của cậu cũng sẽ trở thành một ngư dân với con thuyền của riêng mình, rong ruổi khắp nơi. Cậu không quan tâm đến việc vào đại học hay phải học chăm chỉ, vì ước mơ của cậu là gắn liền với biển cả. Rồi một ngày, tình cờ cậu gặp cô học trò xinh đẹp, đến từ ngôi trường nổi tiếng mà theo cậu nói khi nghe bạn mình thầm thích một cô gái từ trường đó là “Chúng ta và họ là hai thế giới khác nhau”.

Sae-chan, một cô học trò thông minh, ước mơ được vào học ở trường Waseda (một trong những trường đại học nổi tiếng nhất Nhật Bản), cô mơ ước được lên Tokyo và một ngày nào đó được đến thăm nơi mà cô chào đời – một làng ven biển ở Canada. Rồi từ một buổi sáng định mệnh, cô gặp Kouhei-kun, và bắt đầu đối mặt với những khó khăn khi lựa chọn.

Junichi, tôi ví anh như một cơn gió, tự do tự tại, khó nắm bắt. Một con người không thuộc về bất cứ nơi nào. Nhưng anh yêu Sae-chan, một tình yêu giống như chủ nhân nó, tự do không ràng buộc.

Theo như vài bài báo Việt Nam lúc giới thiệu phim, cho rằng Junichi là kẻ thứ ba. Cái cách mô tả mối quan hệ giữa 3 người thật khiến cho khán giả nghĩ rằng đây là một bộ phim tình cảm tay ba, một cô gái vì tham vọng mà bỏ rơi mối tình đầu. Thật khiến cho người ta thất vọng. Không biết lúc tác giả những bài viết đó viết bài giới thiệu có xem qua phim chưa, hay chỉ góp nhặt những thông tin rồi viết lại?

Cả ba người Kouhei, Sae, Junichi chẳng ai là người có lỗi trong sự chia cách tình yêu giữa Kouhei và Sae. Chỉ là họ đã chọn những con đường khác nhau, có những lối rẽ trong cuộc đời mà chỉ cần họ lơ đễnh, họ sẽ lỡ mất nhau. Kouhei và Sae là như thế, yêu xa không phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi Kouhei chỉ là một anh ngư dân ở làng chài nghèo ven biển, còn hiện nay Sae đã là sinh viên của một trong những trường đại học danh giá nhất Nhật Bản. Tình yêu họ dành cho nhau vẫn còn đó, còn rất nhiều, nhưng cuộc sống và những khó khăn họ phải đối mặt quá khác xa nhau. Làm sao để chia sẻ cùng nhau. Kouhei không thể ích kỷ chỉ vì tình yêu mà vứt bỏ cả gia đình. Sae không thể từ bỏ giấc mơ khi mà chính cô đã lựa chọn nó thay vì ở bên cạnh Kouhei. Họ đều còn rất trẻ…

Để rồi ở một ngã rẽ, họ lạc mất nhau…

Kouhei trở thành trụ cột gia đình, kết hôn với người con gái yêu mình. Sae rời bỏ Tokyo đến với New York để quên đi nỗi đau về mối tình đầu. Để rồi khi cô nghĩ mọi chuyện đã an bài, tuổi trẻ đã đi qua, tình yêu đã ngủ yên khi họ gặp lại nhau sau 10 năm…Tình yêu vẫn còn đó, vẫn còn âm ỉ cháy trong tim. Nhưng họ không thể làm gì vì mỗi người đều đã có một cuộc đời riêng…

Thế rồi, cuộc đời lại rẽ một hướng khác khi Junichi mất, chỉ sau khi Sae quyết định mình sẽ yêu và cưới người đàn ông này…Một lần nữa, tình yêu lại bỏ rơi Sae.

Phim Nhật thường có rất nhiều tầng ý nghĩa để rồi mỗi khi xem lại bạn lại khám phá ra một điều mới. Đây là lần thứ ba mình xem lại phim này. Mỗi lứa tuổi sẽ có những cảm nhận khác nhau khi xem phim. Khi tuổi còn trẻ, bạn sẽ thấy Hanamizuki là một bài tình ca tuyệt đẹp, một câu chuyện tình thật lãng mạn. Khi lớn hơn một tí bạn sẽ nhận thấy Hanamizuki là bài học sâu sắc về hạnh phúc.

Hanamizuki (花水木), hình ảnh cây hoa thủy mộc lặng lẽ trong phim có lẽ là hình ảnh khó quên nhất với khán giả. Phim không chỉ đơn giản là một bài tình ca mà còn là hành trình của những người trẻ tuổi, với những ước mơ mà họ theo đuổi. Với Kouhei là biển cả, là đại dương và những con tàu, với Sae là những chân trời mới. Họ đều là những người trẻ, dong những cánh buồm ra khơi, đi tìm cho mình hạnh phúc. Vì như mẹ Sae đã nói với Kouhei “Người ta chỉ có một cuộc đời và chỉ một lần tuổi trẻ”. Trong cuộc hành trình đó sẽ có những sóng gió mà họ phải đối mặt và vượt qua. Thật không may là Kouhei và Sae đã lạc mất nhau, dù tình yêu dành cho nhau vẫn chưa hề phai nhạt…Họ kiếm tìm hạnh phúc ở những nơi xa xôi mà không biết rằng hạnh phúc ở rất gần, gần lắm.

Để rồi khi tuổi trẻ qua đi, khi cô đơn mỏi mệt, quay về điểm khởi đầu, vẫn là cây thủy mộc lặng lẽ đứng chờ, lặng lẽ trổ hoa. Kết thúc cuộc hành trình lại là điểm khởi đầu tất cả, tình yêu của Kouhei và Sae lại sẽ bắt đầu sau bao sóng gió, chẳng ở đâu xa, tại chính nơi mà họ đã rời bỏ…

Review phim

[Review] Bokura ga ita

zenpen1

“Chẳng thể nào thay đổi được quá khứ, vì thế hãy tạo những điều tốt đẹp nhất từ hiện tại”

Bokura ga ita – một bộ manga gắn liền với những năm tháng học sinh mơ mộng của nhiều người. Một câu chuyện tình yêu thuần khiết (kiểu Nhật). Cứ ngỡ là mình không còn nhớ đến bộ truyện này nữa khi nó bị dừng xuất bản ở VN vì vấn đề không phù hợp văn hóa Việt. Vậy mà năm ngoái khi hỏi bạn người Nhật bộ truyện thích nhất thì bạn lại giới thiệu bộ này. Để rồi tối đó không chỉ một mình mình, mà có thêm 1 người phòng đối diện tìm tòi, lục lọi những ký ức năm tháng học trò qua câu chuyện. Sáng ra bạn người Nhật mắt đỏ hoe 😀 bảo mình lẽ ra không nên đọc lại làm gì :D. Rồi cũng mùa hè năm ngoái, bộ manga được làm thành movie do Ikuta Toma đóng vai chính.

Tình yêu trong Bokura ga ita là một câu chuyện tình tuổi học trò, như bao câu chuyện thường thấy trong manga, drama và tiểu thuyết Nhật, nhân vật chính luôn có những nỗi đau, những tổn thương đủ làm thay đổi số phận cuộc đời. Tình yêu trong Bokura ga ita theo mình vẫn là một tình yêu trong sáng, dù nhiều người sẽ bảo trong sáng gì mà mới cấp 3 đã ngủ với nhau? (cũng vì lý do này mà truyện bị cấm xuất bản ở Việt Nam) Vấn đề ở đây là khi bạn đọc 1 tác phẩm, 1 câu chuyện hay xem 1 bộ phim bạn phải đặt mình vào bối cảnh văn hóa và xã hội nước đó để hiểu vì sao lại như vậy? Đừng dùng những giá trị của xã hội nơi mình sống áp đặt lên người khác. Gác những tranh luận về chuyện phù hợp hay không phù hợp giá trị đạo đức Việt Nam, trong giới hạn bài cảm nhận mình sẽ chỉ đề cập đến những điều khiến mình yêu thích bộ manga và cả movie được làm từ manga này.

Yano – một cậu học trò nổi bật, đẹp trai, giỏi thể thao, luôn đạt điểm cao trong các kỳ thi, là tâm điểm bàn luận của các bạn nữ trong trường. Điều thu hút nhất ở Yano là nụ cười, Yano luôn cười vui vẻ, hầu như chẳng ai thấy Yano buồn. Nhưng ít ai biết được Yano từ nhỏ chỉ sống với mẹ và trái tim cậu tổn thương sâu sắc vì mối tình đầu đã chết trong một tai nạn ô tô cậu ấy thà nghĩ rằng cậu bị cô ấy phản bội hơn là nghĩ cậu đã mất cô mãi mãi”, hoặc họ có biết nhưng họ chỉ nghĩ mọi chuyện cũng bình thường thôi và Yano đã vượt qua được, vì cậu ấy luôn cười mà. Tính cách người Nhật ít khi chia sẻ vấn đề của mình với người khác, chính điều này làm cho vấn đề của họ trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến những sai lầm nối tiếp nhau, và rồi khi không thể chịu đựng nổi những áp lực đó, sẽ dẫn đến việc tự tử… Rất may, Yano đã gặp Nanami.

Nanami Takahashi – Mẫu nhân vật điển hình của manga Nhật, đơn giản, trong sáng, ngây thơ nhưng mạnh mẽ. Trước khi gặp Yano, cuộc sống của Nanami chỉ là một cuộc sống bình thường với một gia đình bình thường, Nana chưa từng trải qua đau khổ, nên cách nhìn cuộc đời trong veo như bầu trời mùa hè. Nana bị thu hút bởi nụ cười cởi mở của Yano, để rồi khi bắt đầu yêu là khi Nana biết ẩn sau nụ cười đó là vô vàn điều không thể chia sẻ, là một gánh nặng quá sức đối với 1 cậu học trò 16 tuổi. Takeuchi, bạn thân của Yano đã nói: “Thà cậu ấy khóc thì mình còn biết được cậu ấy đang thế nào? Cậu ấy cứ cười nên mình không biết được cậu ấy đã thật sự vượt qua được nỗi đau đó hay chưa?”. Và rồi tình yêu là động lực để Nana đi bên cạnh Yano như ánh mặt trời trong những ngày giông bão của cuộc đời Yano.

Takeuchi – Chàng trai hoàn hảo. Một người bạn thân luôn bên cạnh Yano và Nanami. Tình yêu của Take dành cho Nana không thua kém Yano, nhưng tình bạn với Yano cũng là phần quan trọng đối với Take. Cậu lặng lẽ đi bên cạnh Nana và Yano, chứng kiến bao đau khổ họ trải qua và vẫn âm thầm mong họ được hạnh phúc. Câu nói ấn tượng nhất của Take (dù chắc chắn câu này gần như xuất hiện trong tất cả các phim tình cảm, tiểu thuyết lãng mạn) “Tôi muốn người mình yêu được hạnh phúc”. Đây là nhân vật mình thích nhất trong bộ truyện, không phải vì Takeuchi hoàn hảo mà bởi vì tình bạn trong sáng giữa Take và Yano, cả với Nana. Đó là thứ tình cảm lung linh nhất, đẹp hơn cả tình yêu. Diễn viên đóng vai Take trong phim diễn tương đối tốt, nhưng cảm giác lại không thật lắm, Take của truyện có vẻ chân thực hơn, trong cậu luôn có sự giằng xé giữa tình bạn và tình yêu.

Yamamoto – Một cô gái kì lạ, không có gì mạnh mẽ ngoài tình yêu dành cho Yano. Tình yêu đó ích kỷ một cách mù quáng. Tình yêu đó vừa là yêu vừa là hận. Yamamoto dù hiểu rõ Yano chỉ lợi dụng mình để trả thù chị gái trong lúc tâm trạng đang suy sụp vẫn chấp nhận. Và sau này nó trở thành lý do để Yano không thể bỏ rơi Yamamoto. Tình cảm của Yano dành cho Yamamoto là vừa hận vừa thương nhưng tuyệt đối không là yêu. Cô ấy biết và vẫn chấp nhận, thậm chí sẵn sàng vứt bỏ tất cả để đến bên Yano.

Movie được ra mắt vào mùa hè năm 2012, dù được chia làm 2 phần nhưng bao nhiêu đó thời gian vẫn không đủ để truyền đạt trọn vẹn cảm xúc của nhân vật. Chính vì thế, cái kết trong movie chắc chắn sẽ làm nhiều người bị hẫng nếu chưa từng đọc qua truyện.

Phim Nhật khác với phim Hàn ở chỗ tâm lý nhân vật không cần phải cường điệu hóa mà vẫn có thể chuyển tải được cảm xúc cho người xem. Nỗi đau của Yano, nếu được dựng trên phim Hàn chắc chắn sẽ là những màn rơi nước mắt, cách diễn tả trực diện của phim Hàn dễ làm người xem khóc ngay đó nhưng rồi cũng sẽ quên sau đó. Còn nỗi đau không thể hiện qua nước mắt trong phim Nhật sẽ trở thành nỗi ám ảnh cho người xem (ít nhất là mình, nên mới có chuyện cặm cụi viết note thế này).

Yano là đứa trẻ được sinh ra ngoài ý muốn của người cha, cậu không hề biết mặt cha, cho đến một ngày mẹ bảo chồng của người bạn thân của mẹ cậu là bố của cậu, đó cũng là lúc ông ấy mất. Một người mẹ chỉ xem Yano là người thay thế cho người đàn ông ở tầng lớp thượng lưu mà dù bà đã cố gắng níu kéo vẫn không thể được. Một người mẹ đã không trao đủ yêu thương cho đứa con mình sinh ra chỉ vì bà muốn được nhận yêu thương. Để rồi những năm tháng cuối đời bà lại là người đẩy con mình vào một bi kịch khác. Khi Yano tìm thấy tình yêu từ Nana, vượt qua được ám ảnh từ mối tình đầu, cứ ngỡ rồi đây cậu sẽ có một cuộc đời hạnh phúc hơn, thì đó cũng là lúc Yano phải xa Nana vì cậu không thể để mẹ mình cô độc. Và từ đây cuộc đời cậu rẽ sang một hướng khác, tối tăm hơn, đau khổ hơn vì cậu đã không còn ánh mặt trời bên cạnh. Những năm tháng vất vả ở Tokyo, những nỗi đau không thể chia sẻ với Nana, dù Nana có nói trăm ngàn lần “Khi cảm thấy cô đơn, anh hãy nhớ anh không chỉ có một mình” thì vẫn là không đủ đối với những điều mà Yano đang phải đối mặt. Khi cậu muốn bỏ tất cả, chạy về chỉ mong được gặp Nana, để cậu có thêm sức mạnh bước tiếp thì cũng là lúc cậu chứng kiến mẹ mình tự tử. Nỗi đau khổ vượt quá sức chịu đựng của một cậu học trò chỉ vừa bước sang tuổi 17. Và tất cả ký ức của Yano Motoharu dừng tại đó, cậu chọn sống một cuộc đời khác dưới một cái tên khác. Nhưng thật ra cậu đang trốn chạy, một cậu nhóc 17 tuổi dù có già dặn thế nào thì cũng vẫn chỉ là cậu nhóc 17 tuổi. Cậu sợ hãi và trốn chạy, cậu không đủ mạnh mẽ để đối mặt với quá khứ. Dù quá khứ đó có Nana, có những tháng ngày tươi đẹp của 2 người thì nó vẫn không thể cứu vớt được nỗi đau quá lớn trong lòng Yano hiện tại. Cậu sợ hãi phải đặt gánh nặng lên vai Nana. Câu nói thể hiện rõ nét nhất tính cách của Yano chính là câu nói xuất hiện ở tập đầu tiên của manga và đoạn đầu movie “Suy cho cùng thì những nỗi buồn phiền chính là sự khác nhau giữa người sống và người chết”. 17 tuổi nhưng Yano đã phải trải qua quá nhiều đau khổ. Nỗi đau về mối tình đầu vừa mới nguôi ngoai, thì người mẹ vì tình yêu ích kỷ mà để lại mình cậu trên đời. Những người ra đi, họ không còn phải lo nghĩ nhưng người ở lại là người phải đối mặt. Và Yano đã chạy trốn, cậu muốn sống một cuộc đời khác, dù cuộc đời đó sẽ không có Nana. Thế nhưng cậu không thể trốn chạy quá khứ khi cậu phải cưu mang Yamamoto, người vì cậu đã vứt bỏ tất cả. Có lẽ sẽ có người cho rằng tình cảm cậu không rõ ràng, vì sao phải làm như thế. Thế nhưng chứng kiến 2 người thân yêu nhất ra đi, cậu không thể chứng kiến thêm 1 người vì mình mà đi đến bước đường cùng. Đó cũng là điều dễ hiểu, cậu không thể bỏ rơi Yamamoto. Nhưng thật ra chính Yamamoto đã là lý do để Yano tiếp tục sống, vì Yano cần một lý do để sống, và bảo vệ một ai đó, là một lý do vô cùng chính đáng. Trái tim Yano đầy tổn thương bởi sự ra đi của những người cậu yêu quý nhất, cậu luôn mang trong tim ý nghĩ “mình bị bỏ rơi”, “mình bị phản bội”, chính vì thế một ai đó dựa vào cậu, chỉ biết có cậu sẽ tốt hơn 1 ai đó cậu đặt niềm tin vào, rồi một ngày cũng sẽ rời bỏ cậu…Yano sợ mất Nanami, nỗi sợ hãi đó lớn hơn bất cứ điều gì trên đời này, và vì thế cậu trốn chạy…

Nanami trao cho Yano tình yêu đầu trong veo với những tiếng cười, những giận hờn vặt vãnh. Nana là ánh sáng cho cuộc đời đầy tăm tối của Yano. Nana không hẳn là mạnh mẽ nhưng cô không phải là người sẽ gục ngã, chính tình yêu dành cho Yano đã làm Nana trở nên mạnh mẽ. Tình yêu 10 năm nhưng bên nhau chẳng được bao lâu, dù là như thế nhưng Nana vẫn chờ đợi. Vì cô tin “Anh ấy luôn có lý do để làm như thế”. Tình yêu cô dành cho Yano là một niềm tin tuyệt đối. Thế giới của Nana và Take là thế giới mà Yano không có được nhưng cũng chính vì thế mà Nana thành niềm an ủi với Yano. Mỗi khi cậu mệt mỏi, gục ngã, cậu lại nghĩ về Nana, người con gái với nụ cười từ trái tim mình, không phải là nụ cười rạng rỡ nhưng đầy đau khổ như Yano. Thật ra, nhân vật Nana không được xây dựng là một nhân vật sâu sắc, ngược lại đây là nhân vật vô cùng đơn giản, yêu là yêu, tin là tin và luôn cố gắng vì niềm tin đó. Cứ như nam châm, trái dấu thì hút nhau, chính tính cách đơn giản đó đã kéo Yano lại gần Nana, vì cuộc đời của Yano đã quá đủ phức tạp. Nhưng Yano không biết rằng hoặc Yano đã quá ỷ lại vào sự đơn giản của Nana mà không biết rằng trái tim của cô cũng đang ngập tràn đau khổ, khi gặp lại anh mà không thể ở cạnh nhau, và vẫn tin “Anh ấy có lý do của mình”. Chỉ có Take biết, Take đã chứng kiến Nana đã đau khổ thế nào, và vẫn dành cho cô tình yêu thầm lặng, chỉ vì Take biết cả Yano và Nana đều chỉ có một đáp án cho câu hỏi về hạnh phúc của mình: Họ cần có nhau…

Nhân vật mà mình thấy dư thừa nhất trong movie là Sengenji Akiko, có thể một phần vì movie ngắn quá nên tâm trạng nhân vật không được bộc lộ hết. Nhưng vẫn không thấy vừa ý với nhân vật này lắm. Akiko trong truyện là một người yêu Yano, hiểu Yano nhưng không thể bước chân vào thế giới của Yano. Và tình yêu đó trở thành một mối dây kết nối giữa Aki và Yano…Một mối liên kết rất đẹp…

Đoạn cuối movie đến nhanh quá, làm cho người xem chưa nắm bắt kịp diễn biến tâm lý của nhân vật.  Trải qua 2 tập phim với những gam màu tối chiếm phần lớn thời gian, đột ngột nhảy đến một cái happy ending làm khán giả hụt hẫng, không hiểu chuyện gì làm thay đổi tâm lý nhân vật nhanh thế. Nhưng nhìn chung đây là một bộ phim hay, đáng xem với những góc quay đậm chất Nhật Bản mà bảo đảm không thể tìm thấy ở bất cứ quốc gia nào khác.

Thật may vì tác giả đã cho Yano một cái kết hạnh phúc. Suy cho cùng thì tuổi trẻ người ta có quyền mắc sai lầm, nhưng phải biết đứng lên thì mới có thể trưởng thành và mới có thể tìm được hạnh phúc…

(Bản thân mình vẫn thích Takeuchi hơn :D)

Review sách

[Review] Socrates in love

29705_1289521689426_6853575_n

Lần đầu tiên, đọc một quyển truyện của Nhật mà tình yêu nó lại đẹp như vậy, trong sáng và ngọt ngào như vậy. Tất nhiên cái bản chất tâm lý phức tạp của nhân vật thì không khác 🙂 chỉ có điều quyển sách như một bức tranh buồn được vẽ bằng những gam màu sáng.

Tình yêu giữa Saku-chan và Aki-chan là một câu chuyện lãng mạn, ngọt ngào của những cô bé, cậu bé ngày ngày cắp sách đến trường. Là những buổi tan học cùng chung đường về, là những lần lén cha mẹ đi chơi, là những bí mật nho nhỏ giữa những người bạn…Nó trong sáng đến nỗi những suy nghĩ về sex ( hình như truyện của Nhật 10 truyện như 10 thì phải 😀 ) của nhân vật cũng không làm nó mờ đi, mà chỉ làm cho tình cảm giữa 2 người bạn thêm rực rỡ. Tác giả thật sự đã vẽ nên một bức tranh rất đẹp cho câu chuyện với những không gian đậm chất Nhật Bản làm nền. Là một đêm hè ngắm đom đóm trên một hòn đảo chỉ có 2 người, là một không gian tràn ngập những cánh hoa đào bay trong gió, là ngọn đồi với hoa cẩm tú cầu mà 2 người đã ước hẹn nhưng vẫn chưa một lần được đến…

Mình nói đây là quyển sách trong sáng nhất của văn học Nhật mà mình từng đọc vì nó hoàn toàn không dùng yếu tố sex để diễn tả nỗi khao khát hay tình yêu. Chỉ là những khao khát được bước cùng nhau, những ước mơ được đi cùng nhau đến cuối cuộc đời, và một tình yêu đầu ngọt như mật trên môi…
Để rồi tình yêu đó trở thành mãi mãi khi Aki ra đi mà vẫn chưa một lần 2 đứa thực hiện được những mơ ước của mình, chưa một lần cùng nhau trèo lên ngọn đồi ngắm hoa cẩm tú cầu, chưa một lần được đến Úc để thực hiện chuyến đi đến với miền đất của những thổ dân, và hình ảnh Aki gục ngã ở ngay sân bay, giống như gục ngã ngay ngưỡng cửa thiên đường, chỉ khoảnh khắc nữa thôi mà vẫn không chạm tới được…

” Trong cuộc đời, có thứ chúng ta thực hiện được, có thứ không. Chúng ta quên ngay những thứ đã thực hiện được rồi. Còn những thứ chưa bao giờ thực hiện thì luôn nằm ở chỗ quan trọng nhất trong trái tim ta. Những gì được gọi là mơ ước và khát khao đều như vậy cả…chính nỗi đau đáu về những điều chưa thực hiện được đang duy trì vẻ đẹp của cuộc đời này. Và vì thế, chính cái chưa thực hiện được kia đã thực hiện cho chúng ta một điều, đó là vẻ đẹp”…

Chính vì vĩnh viễn không thể thực hiện được những dự định cùng Aki mà tình yêu đó trở thành mãi mãi…

Kết thúc câu chuyện cũng là nơi bắt đầu câu chuyện…Vẫn là một bức tranh rực rỡ nhưng đượm buồn…Những cánh hoa đào bay trong gió…

Thật tình thì lần nào cũng vậy, dù ghét văn học Nhật đến thế nào thì lần nào đọc xong mình cũng nhớ rất dai 🙂 nhớ từng hình ảnh, từng bài học rất nhỏ về giá trị của cuộc sống này…Có lẽ đây là quyển mà mình thích nhất trong các tác phẩm của Nhật 🙂

Cuộc sống ngắn ngủi lắm cho quá nhiều khao khát và dự định…Không bao giờ có con đường cùng, cuộc sống là một bức tranh đầy màu sắc, và nó thế nào là tùy thuộc vào bạn. Khi bạn nghĩ “thế là hết” thì hãy tin rằng đó chưa phải là hết…Luôn còn rất nhiều điều đang chờ bạn ở phía trước. Quan trọng là bạn có đủ can đảm để đối mặt với nó hay không….

Review phim

[Review] Buzzer Beat

bscap267

Buzzer Beat, một bộ phim tình cảm nhẹ nhàng với những đam mê của người trẻ tuổi, với những ước mơ và sự nỗ lực để biến ước mơ thành sự thật. Xem phim sẽ nhận ra nhân vật trong phim rất gần gũi với cuộc sống, không là những nhân vật perfect như phim Hàn, không phải là chuyện cổ tích hoàng tử, lọ lem. Đó là những con người xung quanh, với những trăn trở về cuộc sống, về tình yêu và về chính bản thân mình.

Xem phim sẽ nhận thấy chẳng có ai hoàn hảo trong cuộc sống, ai cũng có những lúc khó khăn cần phải vượt qua, ai cũng có lúc vấp ngã nhưng phải biết đứng lên. Đan xen vào những trận đấu bóng rổ là những tình cảm nhẹ nhàng, sâu lắng…

Naoki là một cầu thủ bóng rổ có tố chất và tiềm năng nhưng lại không đủ tự tin vào chính bản thân mình, luôn có sự do dự trong những thời khắc quan trọng. Naoki luôn thấy tự ti so với bạn gái là Natsuki, đội trưởng đội cổ vũ, một cô gái rất hoàn hảo trong mắt mọi người xung quanh. Có cảm giác, tình yêu giữa Natsuki và Naoki chỉ đơn thuần là sự ngưỡng mộ và sự chở che…Mỗi khi thất vọng, Naoki lại đến bên Natsuki.

Natsuki là một cô gái rất thực tế và luôn khao khát một tình yêu mãnh liệt, cô ghét sự nhàm chán, đơn điệu và những điều nhỏ bé, đối với cô “tình yêu là phải say mê, phải quên hết mọi thứ xung quanh…”. Có thể những người thực tế sẽ hay thấy cô đơn, nên Natsuki luôn khao khát tình cảm. Đó là điều mà Naoki không làm được, vì với Naoki yêu còn phải có trách nhiệm, không thể chỉ dùng con tim…

Riko – một nghệ sĩ Violin không thể sống bằng nghệ thuật, cô luôn tin tưởng, theo đuổi ước mơ của mình, dù vấp ngã, thất bại rất nhiều lần…Ở cô có một sự trong sáng, ngây thơ, niềm tin tuyệt đối vào ước mơ và cuộc sống. Đây có lẽ là nhân vật có tính cách đơn giản nhất nhưng cũng cuốn hút nhất của phim…Chính niềm tin mãnh liệt vào ước mơ đã làm cô tỏa sáng nhất phim, là sợi dây nối kết những nhân vật của phim. Và cô nhận được tình yêu mãnh liệt từ huấn luyện viên đội bóng rổ, một con người đã từng xem tình yêu như trò chơi và những cô gái chỉ để bổ sung vào bộ sưu tập. Chính sự trong sáng của Riko đã làm thức tỉnh tình yêu nơi Kawasaki.

Và tình yêu thật sự sẽ đến với ai? Định mệnh sẽ sắp đặt cho những ai đi cùng nhau đến với ước mơ?
Định mệnh đã sắp xếp cho Naoki và Riko gặp nhau, tình cờ…để rồi lạc nhau, và chính cái duyên đã đưa Riko gặp Kawasaki để làm những người bạn tốt…Cuối cùng, chính sự đồng cảm giữa những trái tim, những khao khát đã đưa Riko và Naoki gặp lại nhau, làm bạn và yêu nhau…Tình yêu đó cứ thấm từ từ vào mỗi người, và rồi nó tỏa sáng…Hình ảnh Naoki chạy đến bên Riko là hình ảnh thể hiện sự thoát khỏi những rào cản của chính bản thân. Can đảm đối diện với tình yêu của mình…Hình ảnh thích nhất phim có lẽ là lúc Naoki ôm chặt Riko vào lòng và nhận ra lòng mình rất bình yên…Naoki thấy bình yên vì có người đã hiểu giấc mơ của mình, hiểu được những góc bên trong tâm hồn mình…Và Love makes me strong là câu slogan nơi Naoki và Riko gặp nhau đã trở thành động lực để 2 người cùng cố gắng đến với ước mơ…

Xuyên suốt phim là những hình ảnh mang tính biểu tượng thường thấy trong phim Nhật, là những đóa hoa hướng dương luôn hướng mình về phía mặt trời, là tấm panel với hình ảnh và slogan luôn thể hiện sự khát khao…

Tự nhiên xem xong phim lại muốn cố gắng. Ước mơ không có gì là xấu! Đó không phải là sự chạy trốn, không phải là hão huyền, nó sẽ thành sự thật nếu ta biết ước mơ và cố gắng.